Bảo tàng Nam Định – Dấu ấn trong tim
"Nam Định mình ơi sáng tinh mơ
Hiên ngang sừng sững bóng cột cờ
Tượng đài kiêu hãnh tung tâm tạc
Tín ngưỡng dân gian khói phụng thờ”
Một góc Thành Nam tỏa sáng rạng ngời giữa cung đường phố xá thị thành, Bảo tàng thân yêu nơi đây lưu giữ những giá trị lịch sử của mảnh đất Thành Nam. Hôm nay, học sinh K47 trường THPT Nguyễn Huệ chúng em có một buổi tham quan và hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Nam Định. Đồng hành cùng chúng em có thầy Phạm Văn Trung- Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô chủ nhiệm lớp 10, đặc biệt cô Trần Thị Thu Hà chủ nhiệm lớp 10A1 và cô thuyết minh viên Nguyễn Thị Thu Hường đã đưa tập thể 10A1 chúng em như được sống lại những năm tháng lịch sử vàng son của dân tộc. Đây cũng chính là cơ hội để chúng em mở rộng tầm hiểu biết và bồi dưỡng thêm các phẩm chất, năng lực.
Chúng em đến với Bảo Tàng vào một ngày nắng đẹp cuối tháng Tám, tiết trời trong xanh của mùa thu với cái ngọt ngào, dịu thơm mùi hoa sữa, với làn gió se lạnh làm dâng lên trong em bao xúc cảm. Niềm tự hào, kiêu hãnh về lịch sử cha ông, những chiến công vang dội, được sống trong thời bình nhắc nhở mỗi thế hệ học sinh cần phải biết giữ gìn những bảo vật cổ xưa. Có thể qua những bài lịch sử khô khan bạn chỉ có thể tưởng tượng về sự phát triển của mảnh đất nơi đây thế nhưng qua lời giới thiệu của cô thuyết minh viên chúng em biết thêm về lịch sử đấu tranh anh dũng của những người dân Nam Định đã làm nên cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đến đây, người xem có thể biết về các tiến trình lịch sử Nam Định từ thời kỳ tiền sử đến văn hóa Đông Sơn, thời kỳ Bắc thuộc, thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ - Mạc, Hậu Lê, thời Nguyễn và Pháp thuộc, thời kỳ cách mạng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ...
Một số hình ảnh trong Bảo tàng Nam Định
Trong đó, mỗi giai đoạn lịch sử đều có nhiều bộ sưu tập hiện vật quý hiếm như: các bộ sưu tập điêu khắc đá tháp Chương Sơn; sưu tập đất nung thời Lý; sưu tập đồ dùng sinh hoạt và vật liệu kiến trúc thời Trần, sưu tập đồ gốm tôn giáo thời Lê – Mạc, sưu tập điêu khắc gỗ và đồ đồng thời Hậu Lê, sưu tập hình ảnh, hiện vật về Trường thi Hương triều Nguyễn và Thành Nam xưa v.v… Trong đó bộ chân đèn và lư hương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Bộ chân đèn và lư hương được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, làm bằng chất liệu gốm men. Đây là những hiện vật gốc độc bản về số lượng, hình thức, đề tài trang trí, phong cách nghệ thuật, niên đại tuyệt đối... Điều độc đáo, ẩn chứa nhiều giá trị còn ở chỗ tuy hai hiện vật có nguồn gốc khác nhau nhưng đều được sản xuất cùng ngày 20/8/1590. Trong đó cũng không quên kể đến tượng Phật A Di Đà tái hiện nguyên mẫu được thờ tại chùa Ngô Xá huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Có khuôn mặt và dáng hình nam giới tai giống người thực to nhưng không chảy. Tượng Phật A Di Đà là một trong hai pho tượng Phật thời Lý bằng đá còn nguyên vẹn tính đến nay không chỉ có giá trị đặc biệt về nghệ thuật chạm khắc thời Lý mà còn làm minh chứng đặc biệt để nghiên cứu về lịch sử vị thế kiến trúc của bảo tháp Chương Sơn.
Học sinh lắng nghe thuyết trình về bảo vật quốc gia Tượng Phật A Di Đà
Không những thế chúng em còn biết về sự hình thành phát triển của nhà máy dệt. Nhà máy dệt tự hào là nhà máy Dệt lớn nhất Đông Dương. Nhưng có lẽ để lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất chính là khu vực trưng bày chuyên đề về Bác Hồ với 3 chủ đề “Những nét phác họa cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh”; “Bác Hồ với Đảng bộ và Nhân dân Nam Định” “Nam Định làm theo lời Bác”. Bước chân vào bên trong khu vực này của Bảo tàng, cảm giác đầu tiên của em là sự trang trọng, tôn nghiêm. Hình ảnh làng Sen - Nghệ An, quê hương đã sinh ra người con Nguyễn Tất Thành, những bức ảnh lưu giữ Bác 5 lần về thăm và làm việc với Nam Định…Những kỉ vật, những bức ảnh biết nói ấy cùng câu nói của Người sẽ còn đọng mãi trong tim mỗi người dân “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Sau khi tham quan Bảo tàng, tận mắt nhìn tranh ảnh hiện vật, được nghe giới thiệu từng bức ảnh, từng hiện vật chúng em càng thêm tin yêu, kính phục con người, đạo đức, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tập thể lớp 10A1trong khu trưng bày chuyên đề về Bác Hồ
Chúng em cũng được thăm quan di tích Cột cờ Nam Định. Nam Định là một trong 4 địa phương của cả nước được triều đình nhà Nguyễn cho xây thành và dựng Cột cờ (cùng với Cột cờ ở Huế năm 1807, Cột cờ ở Hà Nội năm 1812, Cột cờ ở Bắc Ninh năm 1838). Cột cờ Nam Định (còn gọi là Kỳ đài) được khởi dựng từ năm Gia Long 11 (1812) đến năm Quý Mão (1843) hoàn thành. Ngắm nhìn ngắm lá cờ đỏ tung bay phất phới trên nền trời xanh trong em dâng lên bao niềm xúc động, tự hào.
Để làm không khí trở nên thú vị và đặc sắc cô chú hướng dẫn viên còn tạo những trò chơi những hoạt động vô cùng bổ ích lý thú chẳng hạn như: lết thảm bay, đoán bài hát dân tộc hay là trò thổi bóng cốc… đây đều là những trò mang tinh thần đồng đội trong những trò chơi ấy có thể giúp chúng em phát huy tinh thần làm việc nhóm, tập thể gắn kết và tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.
Một bảo tàng thu ngủ cả một thời đại. Những giá trị truyền thống được ôn lại như một bài học nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên và cùng với đó lại ý thức xây dựng mảnh đất Thành Nam nghìn năm văn hiến. Em mong muốn trong ba năm học sắp tới chúng em sẽ được cùng nhau tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích, lý thú. Trước thềm năm học mới, em xin kính chúc các thầy cô giáo mạnh khỏe, tràn đầy năng lượng để truyền lửa, truyền đam mê cho các thế hệ học trò và chúc các anh chị và các bạn K47 một năm học mới đạt nhiều thành tích xuất sắc.
Tác giả: HS Trần Mai Trang -10A1 Trường THPT Nguyễn Huệ